Apple đại thắng, Samsung phải bồi thường hơn 1 tỷ USD

Vụ kiện công nghệ lịch sử giữa Apple và Samsung đã có kết quả vào hôm qua (24/8), khi tòa án Mỹ ra phán quyết công ty của Hàn Quốc xâm phạm bằng sáng chế của đối thủ Mỹ và phải bồi thường trên 1,05 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo hãng tin tài chính Bloomberg, số tiền bồi thường khổng lồ này mới chỉ bằng một nửa so với những gì mà Apple mong muốn. Trong khi đó, dù phải bồi thường nặng, Samsung vẫn tránh được phán quyết về vi phạm luật chống độc quyền và vi phạm hợp đồng.

Bồi thẩm đoàn gồm 9 thành viên ở thành phố San Jose, bang California đã bác bỏ đơn kiện ngược của Samsung chống lại cáo buộc xâm phạm bằng sáng chế và đòi bồi thường của Apple. Tòa cũng phán quyết rằng, mọi bằng sáng chế của Apple có liên quan trong vụ kiện là hợp lệ, rằng các thiết bị của Samsung vi phạm hình ảnh thương mại các sản phẩm của Apple.

Phản ứng trước quyết định của tòa, Samsung tuyên bố: “Phán quyết ngày hôm nay của toàn không nên được xem là một chiến thắng của Apple, mà là một thiệt hại đối với người tiêu dùng Mỹ. Không may là luật về bằng sáng chế có thể bị thao túng để đem đến cho một công ty sự độc quyền đối với những công nghệ đang được cải thiện hàng ngày bởi Samsung và các công ty khác”.

Samsung cũng tuyên bố rằng, phán quyết này của tòa án Mỹ không phải là “lời cuối” của vụ kiện hay tại các tòa án khác trên toàn thế giới.

Apple khởi kiện Samsung tại Mỹ vào tháng 4/2011, Samsung kiện ngược sau đó. Ngoài ra, hai bên còn kiện lẫn nhau ở Anh, Australia và Hàn Quốc. Trong các đơn kiện, hai bên đều tố cáo nhau xâm phạm bằng sáng chế công nghệ và thiết kế sản phẩm trong các thiết bị điện thoại thông minh và máy tính bảng.

Trong vụ kiện này, Apple đòi Samsung bồi thường thiệt hại 2,5-2,75 tỷ USD, tố cáo Samsung xâm phạm 4 bằng sáng chế về thiết kế và bằng sáng chế về phần mềm của iPhone và iPad. Trong khi đó, Samsung đòi Apple trả 421,8 triệu USD tiền bản quyền với cáo buộc đối thủ Mỹ xâm phạm 5 bằng sáng chế.

Theo phán quyết của tòa, Samsung không vi phạm một bằng sáng chế liên quan tới thiết kế chiếc máy tính bảng iPad của Apple. Cáo buộc của Apple đối với bằng sáng chế này cụ thể nhằm vào chiếc Galaxy Tab 10.1 của Samsung. Apple muốn tòa cấm vĩnh viễn việc bán chiếc Tab 10.1 tại Mỹ và mở rộng lệnh cấm này sang các sản phẩm điện thoại thông minh của Samsung. Tòa án Mỹ cho biết, sẽ cân nhắc vấn đề này sau.

Tranh chấp về bằng sáng chế giữa Apple và Samsung bắt đầu khi Samsung tung ra các sản phẩm điện thoại thông minh Galaxy vào năm 2010. CEO khi đó của Apple là Steve Jobs đã liên lạc với Samsung về những lo ngại của ông cho rằng điện thoại Galaxy sao chép chiếc iPhone.

Samsung và Apple là hai nhà sản xuất điện thoại thông minh và máy tính bảng lớn nhất thế giới. Hai bên đấu đá pháp lý quyết liệt cho dù bị ràng buộc lẫn nhau bởi những thỏa thuận thương mại về cung cấp linh kiện. Theo số liệu của Bloomberg, Apple là khách hàng lớn nhất của Samsung, đóng góp khoảng 9% doanh thu của công ty Hàn Quốc này.

Theo hãng nghiên cứu IDC, trong quý 2 năm nay, người tiêu dùng toàn cầu mua 406 triệu chiếc điện thoại thông minh, so với mức 401,8 triệu chiếc cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Samsung và Apple chiếm khoảng một nửa doanh số này.

Samsung tiếp tục nới rộng khoảng cách về doanh số với Apple trong quý 2, với doanh số đạt 50,2 triệu chiếc điện thoại thông minh, chiếm thị phần toàn cầu 32,6%, so với mức 26 triệu chiếc, tương đương thị phần 16,9% của Apple.

Trong cuộc đấu đá pháp lý giữa hai bên, cả Apple và Samsung đều đã giành thắng lợi. Hôm 29/6 vừa qua, Apple giành phần thắng khi tòa án Mỹ ra lệnh cấm bán điện thoại Galaxy Nexus tại thị trường nước này. Tuy nhiên, hiện sản phẩm này vẫn đang có mặt trên thị trường Mỹ do Samsung có đơn kháng cáo.

Trước đó, vào tháng 11 năm ngoái, Samsung giành phần thắng khi tòa án Australia cho phép tiêu thụ máy tính bảng của hãng ở nước này.

Một tòa án Hàn Quốc ngày 24/8 đã ra lệnh Samsung và Apple dừng bán một số sản phẩm điện thoại thông minh và máy tính bảng tại thị trường này và bồi thường thiệt hại sau khi ra phán quyết rằng, cả hai hãng đều có hành vi xâm phạm bằng sáng chế lẫn nhau.

Vneconomy