4 câu hỏi giúp bạn tránh bị dính phải các trò lừa đảo trên mạng

Các trò lừa đảo trên mạng rất phổ biến ngày nay. Để bảo vệ mình, hãy cùng iworld.com.vn tìm hiểu cách phòng chống trong bài viết sau đây nhé!

Bạn đã bao giờ mua một thứ gì đó đang giảm giá vì bạn không muốn bỏ lỡ một kèo thơm, nhưng cuối cùng nó lại khiến bạn hối hận sau khi cảm giác hồi hộp đã biến mất? Có thể bạn đã nhận ra rằng bạn vừa mua một mặt hàng mà bạn không cần dùng, và bạn sẽ không bao giờ mua nó nếu không có đợt giảm giá vừa qua. Rất nhiều doanh nghiệp bán được hàng của mình nhờ chiến thuật sử dụng sự khan hiếm, một yếu tố kích hoạt tâm lý giúp người mua phản ứng nhanh chóng, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi bạn và có thể là nhiều người khác nữa đã mua sản phẩm đó. Tuy nhiên, nguyên tắc đơn giản này cũng có thể được sử dụng bời những kẻ lừa đảo. Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải chủ động khi tương tác với các tin nhắn trực tuyến.

Ví dụ: Bạn đã từng nhận được một email có vẻ đáng tin cậy từ một công ty nào đó báo cho bạn biết rằng bạn sắp hết thời gian để thanh toán một món hàng hay một dịch vụ gì đó chưa. Trước khi bạn kịp suy nghĩ, có thể bạn đã phản ứng, đưa thông tin ngân hàng của bạn vào tay những kẻ lừa đảo trực tuyến.

Đó không phải lỗi của bạn khi mà bạn trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo trên mạng.

Đó là bởi vì những kẻ lừa đảo là những người rất hiểu biết, là bậc thầy thao túng. Nhiều năm trong nghề lừa đảo đã giúp họ hiểu quá rõ về thế giới trực tuyến, giúp họ biết được những việc gì đem lại hiệu quả và việc gì không. Họ biết những cảm xúc nào sẽ hấp dẫn mọi người? Những câu chuyện nào sẽ khiến mọi người quan tâm?

Internet và vô số tiến bộ công nghệ cho phép người ta tạo ra các phần mềm lừa đảo, chỉnh sửa email, ảnh và thậm chí cả video. Vậy làm thế nào để mọi người có thể phân biệt được đâu là thật và đâu là giả? Không chỉ những người cao tuổi hoặc ít hiểu biết về công nghệ mới cần phải cẩn thận. Mọi người nên đề phòng những trò gian lận trực tuyến và đặt các câu hỏi về giấy phép trực tuyến của họ. Dưới đây là bốn câu hỏi bạn nên tự hỏi mình mỗi khi tương tác trực tuyến.

1. Bạn đã yêu cầu giúp đỡ?

Bạn thấy cửa sổ bật lên trên một trang web: đó là một tin nhắn và có vẻ như một công ty IT đang gửi cho bạn, đề nghị được giúp đỡ bạn. Hoặc bạn nhận được email từ một công ty nào đó đề nghị cung cấp sự trợ giúp miễn phí của họ.

Cũng giống như trong cuộc sống thực, nếu một người bạn của bạn muốn giúp đỡ bạn, bản năng của bạn là sẽ cảm ơn họ và thậm chí còn muốn giúp lại họ khi có cơ hội. Nếu ai đó trên mạng đề nghị giúp đỡ bạn, đặc biệt là miễn phí, bạn nên tự nghĩ: điều gì có thể xảy ra? Khi bạn chấp nhận sự trợ giúp, họ có thể sẽ yêu cầu bạn đáp lại bằng một thứ gì đó và bạn có thể sẽ cảm thấy có nghĩa vụ phải làm theo. Nhưng hãy nhớ rằng bạn không yêu cầu sự giúp đỡ và do đó, bạn chẳng nợ họ gì cả. Cho dù họ có cho bạn một liên kết để nhấp vào hoặc một câu trả lời qua email.

2. Bạn nhận được một ưu đãi, nhưng nó có thật không?

Bạn thấy hình ảnh một người đàn ông mỉm cười với ngón tay cái giơ lên phía trên một đường link để tải phần mềm, bạn nghĩ rằng đường link đó sẽ giúp bạn có phần mềm mình cần, phải vậy không?

Trước khi bạn đến một nhà hàng mới, bạn có thể sẽ kiểm tra các đánh giá để tìm hiểu về dịch vụ khách hàng và chất lượng thực phẩm. Thường thì, nếu người khác đã thử và thích nó, nhà hàng đó là thực sự tốt. Thế nhưng các đánh giá và giải thưởng có thể bị làm giả. Có phải tất cả các bài đánh giá đều được viết theo cùng một phong cách và bởi những người dùng có tên tương tự hay không? Nếu có, bạn nên cảnh giác rằng có điều gì đó không ổn với nó. Ngoài ra, nếu bố cục một trang web trông có vẻ hợp pháp không có nghĩa là nó hợp pháp. Khi nhận được một email từ một nguồn có vẻ đáng tin cậy, bạn cũng không nên cung cấp cho họ thông tin ngân hàng hoặc mật khẩu của mình. Hãy gọi điện hoặc nhắn tin trực tiếp cho công ty và tìm hiểu về tính hợp pháp của email đó trước.

 

3. Tại sao họ lại hỏi những câu hỏi tưởng như vô thưởng vô phạt?

Cảm giác an toàn sai lầm có xu hướng khiến mọi người trở nên dễ bị lừa đảo hơn. Điều này cũng đúng với những cuộc gặp gỡ trực tuyến. Trả lời một vài câu hỏi đơn giản có vẻ như không gây nguy hiểm gì. Tuy nhiên, nó sẽ khiến chúng ta có cảm giác thoải mái, như thể chúng ta đang kiểm soát hoàn toàn mọi việc, từ đó chúng ta thể bị dụ vào một giao dịch không mong muốn hoặc trong trường hợp xấu nhất, bị thuyết phục tiết lộ những dữ liệu bí mật. Ngay cả một câu hỏi đơn giản như hôm nay, mọi việc có suốn sẽ với bạn không cũng có thể dẫn đến lừa đảo.

4. Tại sao họ cố gắng trở thành bạn của tôi?

Sự quen thuộc là chìa khóa. Một số kẻ lừa đảo gọi điện cho những người lớn tuổi và cố gắng thuyết phục rằng chúng là người thân của họ và đang cần tiền gấp. Ngày nay nhiều người đã biết đến kiểu lừa đảo này, và thật ra thì giả làm một người thân trong gia đình cũng không hẳn là một việc dễ dàng. Tuy nhiên, nhiều trò lừa đảo khác cũng có cách thức hoạt động tương tự: những kẻ lừa đảo rất biết cách nói chuyện với bạn. Họ không phải là nhân vật phản diện trong truyện tranh, mà là những người thông minh có thể khiến bản thân trở nên đáng yêu trong mắt bạn. Họ đồng ý với bạn và tinh tế tìm kiếm những điểm tương đồng với bạn. Hãy cảnh giác và đừng để chúng ru ngủ bạn.

Không có gì phải xấu hổ khi dính phải những kiểu lừa đảo này. Hãy nhớ để ý những chiến thuật này bất cứ khi nào bạn nhận được email, tin nhắn riêng tư trên mạng xã hội hoặc thậm chí là cửa sổ bật lên trên một trang web. Và hãy chắc chắn rằng, không bao giờ chia sẻ dữ liệu bí mật như mật khẩu, tài khoản ngân hàng hoặc – trong trường hợp bạn sử dụng phần mềm máy tính từ xa – không bao giờ cấp cho bất kỳ ai mà bạn không biết và không tin cậy quyền truy cập vào thiết bị của mình. Chìa khóa cho sự an toàn khi online là hãy nhận thức và thận trọng.

Biên dịch bởi Vinh Thức – iworld.com.vn